“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Trở về Đền Hùng dâng hương đúng dịp cả nước nghỉ lễ giỗ Tổ các vị Vua Hùng ngày mồng mười tháng ba, mỗi chúng ta như được tìm về nguồn cội của mình với truyền thuyết Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ, câu chuyện “Lang Liêu” trời tròn, đất vuông… tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây" của các thế hệ người Việt đối với công lao dựng nước to lớn của 18 chi đời Vua Hùng.
Hướng về cội nguồn, ngày 29/4/2023 (tức ngày 10/3 năm Quý Mão) Ban chấp hành Công đoàn, công chức, người lao động Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đến dâng hương tưởng nhớ các vị Vua Hùng tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ các vị Vua Hùng, nơi hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt, cũng là là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Đoàn Bắc Kạn được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ đón tiếp nồng nhiệt và chia sẻ các bài học kinh nghiệm quý báu làm du lịch ở Phú Thọ, lượng khách về đền Hùng năm 2023 tăng cao, ước tính trong năm 2023 tỉnh Phú Thọ đón 8 triệu lượt khách du lịch.
Lễ hội Đền Hùng năm 2023 được gắn với chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Vì vậy có nhiều hoạt động, thu hút khách tham quan, nhiều sự kiện văn hóa quốc gia trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2023 diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28/4 tại thành phố Việt Trì như: Liên hoan trình diễn các di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh , tại Liên hoan 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã trình diễn, trong đó có hai di sản là Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngoài ra hát Ca Trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt cũng được trình diễn tại đây.

Đền Thượng - có tên gọi khác là “Kính Thiên lĩnh điện”
Về phần lễ: Các thế hệ con Lạc cháu Hồng luôn bảo tồn và phát huy được nét đẹp truyền thống trong việc thờ cúng Hùng Vương như: Lễ chay: Các vị tham gia Ban tế chuẩn bị lễ vật đặc trưng thờ cúng Hùng Vương gồm: 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh giầy gắn với truyền thuyết Vua Hùng truyền ngôi cho Lang Liêu với sản vật là bánh chưng, bánh giầy dâng lên Vua Hùng. Con số 18 tượng trưng cho 18 chi đời Vua Hùng. Ngoài ra còn sắm thêm một số đặc sản của từng địa phương như: Bánh mật, bánh gai, kẹo bánh và hoa thơm, trái ngọt; trầu cau, nước lã sạch... để dâng cúng. Lễ mặn: Theo truyền thống và t thuyết tam sinh thì lễ vật thờ cúng Vua Hùng được chuẩn bị gồm: Thịt lợn, thịt bò, thịt dê. Tuy vậy, để phù hợp với thực tế "cây trồng, vật nuôi" đặc trưng của từng địa phương và cũng nhằm thực hành tiết kiệm nên hiện nay, lễ vật thường là thủ lợn với ván xôi trắng hoặc gà trống với ván xôi trắng kèm theo rượu trắng. Hương nhang: Theo quan niệm dân gian, nhang tượng trưng cho sự “vô vi,” hoa tươi tượng trưng cho “tự nhiên,” nước trong tượng trưng cho “thanh tịnh,” đèn nến tượng trưng cho sự “thuận hòa: biến hóa theo chiều thuận,” nghĩa là bốn vật phẩm trên nói lên ý niệm cơ bản của tín ngưỡng truyền thống: “thanh tịnh, vô vi, tự nhiên, thuận hòa.”
Đến Đền Hùng, Công đoàn Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn không chỉ về núi Nghĩa Lĩnh thắp nén hương thơm tri ân công đức các Vua Hùng, mà còn được thăm viếng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa về vùng đất linh thiêng nguồn cội. Đó là biểu hiện của lòng thành kính và biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước, đó là đạo hiếu muôn đời của con dân đất Việt. Qua chuyến hành hương Giỗ Tổ lần này, Ban chấp hành Công đoàn, công chức, người lao động Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Kạn hiểu sâu sắc hơn việc thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định vùng đất Tổ Phú Thọ với vị thế chính trị, văn hóa địa linh nhân kiệt đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam./.
