Ngày đăng: 25/07/2017 / Lượt xem: 4

Phát hiện mới bốn di chỉ khảo cổ học tại huyện Bạch Thông và huyện Chợ Mới

          Đào thám sát mái đá Bó Phầy đã phát hiện 07 mảnh gốm cứng, phủ men có văn thừng. Qua chất liệu, hoa văn trên gốm, Đoàn khảo sát bước đầu nhận định, gốm phát hiện tại địa điểm này có nhiều điểm tương đồng với gốm Đường Cồ (loại gốm thuộc văn hóa Đông Sơn muộn ở đồng bằng sông Hồng), có niên đại vào khoảng đầu Công Nguyên.

   

 
Công cụ đá phát hiện tại bãi soi Hang Chùa, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới 

          Bãi soi Hang Chùa nằm cách di chỉ khảo cổ hang Nà Coóc (hay còn gọi là hang Chùa) thuộc thôn Tồng Cổ, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới khoảng 200m về phía  tây. Toàn bộ bãi soi có diện tích hơn 4000m2 vốn là bậc thềm cổ của sông Cầu và cao hơn bề mặt sông hiện nay khoảng 10m. Bãi soi hiện được người dân địa phương trồng tre, keo và trồng cây hoa màu. Khảo sát toàn bộ bề mặt bãi soi Đoàn khảo sát đã phát hiện được 13 công cụ bằng đá trong đó có 02 công cụ rìu mài lưỡi, 04 bàn mài, 5 công cụ cuội ghè đẽo cùng rất nhiều mảnh gốm thô, gốm sành của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Hiện tại, đường đi vào thôn Tồng Cổ chạy cắt ngang qua di chỉ. Quan sát mặt cắt trắc diện ta luy hai bên đường, đoàn khảo sát phát hiện tầng văn hóa khảo cổ dầy trung bình 60cm.

     

 Gốm thô phát hiện tại bãi soi Hang Chùa, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới

          Theo PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) căn cứ vào tầng văn hóa được phát lộ cùng những hiện vật được tìm thấy, bước đầu có thể nhận định địa điểm bãi soi Hang Chùa là một di chỉ cư trú ngoài trời của con người thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Lớp cư dân sớm thuộc thời đại Đá mới, lớp giữa có niên đại vào khoảng đầu Công nguyên, lớp trên cùng là cư dân thời Lê - Nguyễn. Di chỉ này cần được tập trung nghiên cứu trong thời gian tới.

          Đây là lần đầu tiên tỉnh Bắc Kạn phát hiện di chỉ khảo cổ học ngoài trời, có tầng văn hóa còn tương đối nguyên vẹn (bãi soi Hang Chùa, xã yên Đĩnh, huyện Chợ Mới), đặc biệt đây còn là địa điểm cư trú của con người trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đó là tiền đề quan trọng để Bảo tàng tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện thêm các di chỉ khảo cổ học mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.