Năm 2008, toàn tỉnh chỉ có một mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn được triển khai, sinh hoạt định kỳ hàng tháng thì đến năm 2012, mô hình này đã được duy trì và nhân rộng ra tại 07 xã gồm: Lạng San (Na Rì), thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn), Nghiên Loan (Pác Nặm), Xuất Hóa (thị xã Bắc Kạn), Phương Viên, Đại Sảo (Chợ Đồn), thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông). Năm 2013, mô hình tiếp tục nhân rộng ra 03 xã Khang Ninh (Ba Bể), Lương Bằng (Chợ Đồn), Quân Bình (Bạch Thông). Mục tiêu của mô hình là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, từng gia đình, từng cá nhân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; giúp cho các gia đình có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện tốt pháp luật liên quan đến gia đình. Tham gia mô hình, người dân được tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về hôn nhân gia đình; giáo dục đạo đức, văn hoá, truyền thống dân tộc, gia đình, dòng họ, cách thức ứng xử, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; chăm sóc sức khoẻ người già, phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội; giáo dục kiến thức, kỹ năng cho thanh niên chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn. Ngoài ra, các thành viên còn được tuyên truyền về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát hiện và điều trị sớm các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em; phổ biến kiến thức, công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, vay và sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế gia đình và các vấn đề mang tính thời sự, chính trị mới. Hiện nay, các xã thực hiện mô hình đã thành lập Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình phát triển bền vững” (mỗi xã có từ 5 câu lạc bộ trở lên). Các câu lạc bộ thành lập ở thôn đều có chủ nhiệm câu lạc bộ, số lượng thành viên từ 20 đến 50 gia đình. Các thành viên của gia đình đều có thể tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, không giới hạn độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Hình thức sinh hoạt là tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các hoạt động truyền thông về lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình như: Vay vốn, kinh doanh, khuyến nông, khuyến ngư và các hoạt động khác ở địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, cuộc thi về kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, tổ chức tham quan học tập mô hình câu lạc bộ ở địa bàn khác, sinh hoạt theo chủ đề dưới hình thức hái hoa dân chủ, sân khấu hóa và tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới cho các thành viên; thăm hỏi, động viên các gia đình thành viên, tặng quà cho các cháu học sinh giỏi, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, các xã còn thành lập các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có từ 3 đến 5 thành viên do trưởng thôn hoặc công an viên làm trưởng nhóm. Thành viên nhóm chọn từ Ban công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhân viên y tế thôn, bản do Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định thành lập. Đồng thời quy chế hoạt động của nhóm phòng chống bạo lực gia đình được ban hành đảm bảo tính hợp pháp. Nhóm phòng chống bạo lực gia đình có nhiệm vụ phát hiện, tiếp nhận tin báo về vụ việc bao lực gia đình ở địa bàn, nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gia đình gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên gia đình; chủ động hoặc phối hợp với tổ hòa giải tổ chức hòa giải mâu thuẫn, bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 12, Điều 15 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn trực tiếp cho nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình về pháp luật, tâm lý, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo quy định tại Điều 16 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 17 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và lập hồ sơ, thống kê báo cáo về vụ việc, tình hình xử lý vụ việc bạo lực gia đình cho Ban chỉ đạo cấp xã. Từ khi mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, đặc biệt là tại các xã triển khai mô hình. Theo thống kê, năm 2012, tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh là 290 vụ thì tại các xã triển khai mô hình chỉ xảy ra 08 vụ. Bởi vậy, xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình là việc làm thiết thực cần được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Gia đình là tế bào của xã hội, để xã hội phát triển ổn định, tốt đẹp thì phải dựa trên yếu tố từ những gia đình hạt nhân hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Phòng chống bạo lực gia đình quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của mỗi người dân. Chỉ có nền tảng vững chắc thì các yếu tố như phát triển kinh tế, phấn đấu học tập, yêu thương chăm sóc, nuôi dạy con cái, kính trọng người cao tuổi… mới được thực hiện có hiệu quả. Để phòng chống bạo lực gia đình ngoài sự can thiệp, giúp đỡ của các cấp, ngành, mỗi người dân hãy tự nỗ lực phấn đấu vun đắp cho tổ ấm của mình, thương yêu, đồng cảm và tôn trọng, đó chính là yếu tố quan trọng trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình./. |
||