Nắm rõ tinh thần trên, trong 4 năm qua, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều chương trình hành động hướng tới mục đích giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời tuyên truyền vận động là sợi dây kết nối giúp các dân tộc Việt Nam thêm gần gũi, quý trọng và hòa hợp, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
![]() |
Ẩm thực là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn |
Các hoạt động văn hóa trên địa bàn được tổ chức với tinh thần thiết thực, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, vừa phong phú đa dạng ấn tượng, vừa giàu bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, có chương trình mục tiêu cụ thể căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương. Các hoạt động đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của nhân dân, tôn trọng phong tục tập quán các dân tộc, qua đó thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các chương trình gắn liền với hoạt động du lịch, thể thao tạo điều kiện giao lưu giữa các dân tộc.
Năm 2009, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” được tổ chức tại Na Rì gắn liền với Hội chợ truyền thống xã Xuân Dương vào 25/3 (âm lịch). Đây là mô hình điểm để hàng năm các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Trong những năm tiếp theo, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, mở các hội chợ ẩm thực, triển lãm ảnh… thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân các dân tộc và nhân dân.
Bên cạnh việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, Ngành Văn hóa tỉnh còn tiến hành triển khai thực hiện những dự án bảo tồn, nghiên cứu về lễ hội nhằm từng bước phục dựng, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu như: Dự án Bảo tồn và phát triển Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Bản Pác Ngòi, Nam Mẫu, huyện Ba Bể (năm 2009); Nghi Lễ Màng của người Dao Tiền (năm 2009); Nghi lễ đám tang người Nùng, xã Dương Sơn, Na Rì (năm 2010); Dự án sưu tầm bảo tồn lễ Phjất Lăng của người Dao đỏ, Ba Bể; phục dựng Lễ hội Lồng tồng, Bằng Vân, Ngân Sơn (năm 2011). Trong năm 2012, Sở VHTT&DL đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện công tác quản lý bảo vệ di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh theo các văn bản quy định; tổ chức triển khai các chương trình bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số bao gồm: Khôi phục và bảo tồn “Lễ hội Lồng tồng” xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn; Dự án sưu tầm, bảo tồn “Thơ lẩu - Thơ đám cưới” của người Tày ở xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm; kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Hán - Hoa. Qua đợt kiểm kê đã thống kê được 50 di sản văn hoá phi vật thể. Lập hồ sơ khoa học 03 di sản văn hoá phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: “Chân giò hầm của người Hoa”, “Múa khèn của người Mông” và “Nghi lễ Quá tăng (lễ cấp sắc) của người Dao” ở Bắc Kạn.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ấn tượng góp phần quảng bá các hình ảnh Bắc Kạn đến mọi miền Tổ quốc, khu vực và quốc tế như: Liên hoan hát then, đàn tính, Liên hoan hát dân ca khu vực phía Bắc, du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; tham gia Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Tây Sơn, Hà Nội... Đặc biệt, khi tham gia các chương trình nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh cũng như khu vực, ngành đều lựa chọn những nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có năng khiếu tham gia đóng góp những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc. Qua đó không chỉ giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh mà còn giúp người dân thêm yêu và tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, từ đó, tạo nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, nâng cao đời sống cho nhân dân, do vậy, trong những năm tiếp theo, Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử cách mạng; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa, phát triển đội ngũ hạt nhân văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn và lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số./.