Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về giải pháp phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn. Từ ngày 16 – 20/9/2021, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Ba Bể, Vườn Quốc gia Ba Bể, Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể, UBND xã Nam Mẫu, xã Khang Ninh đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh, hoạt động tại Khu du lịch Ba Bể và tại các thôn, bản đang hình thành và phát triển du lịch cộng đồng vùng hồ Ba Bể.
Đoàn công tác làm việc tại thôn Pác Ngòi
Đoàn công tác đã họp bàn, thống nhất, lựa chọn địa điểm khảo sát, định hướng triển khai các mô hình, hoạt động trải nghiệm phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch và các thôn nằm xung quanh khu vực hồ Ba Bể như: Ao Tiên, đảo An Mạ, đảo Bà Góa; Bản Cám, Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi (xã Nam Mẫu); Nà Mằm, Nà Kiêng, Bản Vài (xã Khang Ninh)…
Khảo sát mô hình du lịch trải nghiệm Nông nghiệp
tại Bản Cám, Cốc Tộc – xã Nam Mẫu, Ảnh Hồng Liên
Tại thời điểm này, các điểm du lịch đều vắng bóng khách du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn nhiều khó khăn và xuống cấp, các điểm du lịch đang trong quá trình chỉnh trang, cải tạo xây dựng; các dịch vụ cơ bản cho du khách như bến xuồng, nhà vệ sinh, khu bán hàng lưu niệm, đường vòng quanh hồ… còn nhiều bất cập cần phải khắc phục sớm.
Từ khi được thành lập vào năm 2018, Ban Quản lý khu Du lịch Ba Bể đã có nhiều nỗ lực, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác du lịch hồ Ba Bể; tổ chức tốt các hoạt động như điều phối, phân luồng xuồng chở khách du lịch; phát huy vai trò của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, tuyến du lịch; xây dựng, chỉnh trang bến, bãi khang trang, sạch đẹp, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, thời gian hoạt động chưa lâu thì dịch Covid 19 bùng phát. Hiện nay BQL khu du lịch Ba Bể đang tạm dừng hoạt động, người lao động tại BQL không có lương, nguy cơ nhân lực đã qua đào tạo bỏ việc, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch Ba Bể khi dịch bệnh được kiểm soát.
Vùng hồ Ba Bể có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo và bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những năm gần đây tình trạng cải tạo, xây nhà gạch xen lẫn các ngôi nhà sàn truyền thống để hoạt động kinh doanh du lịch (Homestay) tại các bản làng dân tộc Tày vùng hồ Ba Bể đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan du lịch và bản sắc văn hóa dân tộc vốn lưu truyền tại hồ Ba Bể từ bao đời nay, đây cũng là nguyên nhân làm mai một nguồn tài nguyên du lịch của địa phương.=
Chính vì vậy, việc có các cơ chế, chính sách gắn với bảo tồn di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và bản sắc văn hóa dân tộc vùng hồ Ba Bể là điều cấp thiết trong tình hình hiện nay nhằm quản lý tốt các hoạt động du lịch và thu hút khách du lịch quay trở lại Ba Bể; đồng thời đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch Bắc Kạn bền vững trong tương lai.
Tài nguyên du lịch hồ Ba Bể cần được gìn giữ và bảo tồn
Ngoài ra du lịch hồ Ba Bể cũng cần nghiên cứu và sớm triển khai theo nguyên tắc tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng như: quy trình trình diễn các món ăn ẩm thực, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân tộc, dệt thổ cẩm; tham gia vào các hoạt động sinh hoạt nông, ngư nghiệp (cùng lên nương, đánh bắt cá cùng bà con dân bản); tổ chức, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, chèo thuyền độc mộc, kayax, đi bộ thăm rừng Quốc gia, leo núi, khám phá hang động… những sản phẩm này sẽ bổ sung vào các tour du lịch truyền thống, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, thúc đẩy phát triển đa ngành kinh tế tại địa phương, hình thành các sản phẩm, tour, tuyến du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch, phấn đấu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 ./.