Đại dịch Covid 19 (còn gọi là Sars Cov 2) lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam từ ngày 27/4/2021, xuất hiện ở 62 tỉnh thành, còn duy nhất tỉnh Cao Bằng chưa có ca nào dương tính với Covid 19. Hiện nay dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp với tâm dịch là thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Y tế mỗi ngày trên cả nước trung bình khoảng 10.000 ca dương tính (gọi tắt là F0) với Covid 19, cho đến ngày 24/8/2021 tổng số ca F0 là 365.000 ca nhiễm. Hà Nội thủ đô của cả nước và một số tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay vẫn đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Các lực lượng Quân y, Quân đội, và công an đã được điều động tăng cường tới thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội và nâng cao các biện pháp chống dịch bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8 với phương châm “mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
Đánh giá được mức nguy hiểm của đại dịch, Chính phủ cho đóng cửa Biên giới và ngừng đón khách du lịch quốc tế từ tháng 3/2020. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không, du lịch và toàn bộ lực lượng lao động trong ngành cũng như kéo theo các ngành kinh doanh dịch vụ khác cũng bị đình trệ, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có liên quan đến nhiều ngành.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung về kinh tế của cả nước, hơn 20 năm qua kể từ sau khi được tái thành lập tỉnh (năm 1997), Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đoàn kết, nỗ lực quyết tâm thay đổi và phát triển tỉnh nhà: nhiều giải pháp, mô hình về phát triển kinh tế - xã hội đã được tỉnh áp dụng đưa vào thực hiện thí điểm và triển khai trên diện rộng ở các huyện, thành phố, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình, trong đó đặc biệt là mô hình các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) đã trở thành mô hình điển hình, tiên tiến, đứng trong top dẫn đầu của cả nước; mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch hồ Ba Bể ngày càng thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá các bản làng người Tày ven hồ Ba Bể.
(Du lịch cộng đồng tại hồ Ba Bể - ảnh: Hồng Liên, Nông Chi, Quỳnh Mai)
Từ cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên ngành du lịch Bắc Kạn đã tạm dừng hoạt động; các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, homestay tại Khu du lịch hồ Ba Bể đều giảm công suất sử dụng phòng buồng từ 60- 70 % xuống còn khoảng từ 0 % - 5 %. Nếu tiếp tục tình trạng này doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư, nợ ngân hàng, tình trạng thất nghiệp kéo dài …
Thách thức đặt ra như vậy nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng đang có các điều kiện thuận lợi để lựa chọn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; đó là:
Điều kiện thuận lợi thứ nhất: Bắc Kạn nằm ở trung tâm của vùng du lịch Đông Bắc, bao quanh là 02 cánh cung lớn của Việt Bắc là cánh cung sông Gâm và cánh cung Ngân Sơn, do kiến tạo đặc biệt của bề mặt trái đất cách đây hàng triệu năm đã ưu đãi cho chúng ta những phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng gắn liền với phức hệ sinh thái: hồ, thác, hang động và sông suối... trở thành nguồn tài nguyên du lịch quý giá để Bắc Kạn vươn mình phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Đồn (Bắc Kạn) được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng cùng với Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên) đã tạo thành vùng tam giác An toàn khu trọng yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác và các cơ quan Trung ương.
(Du lịch trải nghiệm chèo thuyền Kayax, cắm trại tại hồ Ba Bể - ảnh Trung Thành, Hồng Liên, Minh Quang)
Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, địa chất địa mạo và lịch sử hào hùng như vậy nên năm 2012 và năm 2016 hồ Ba Bể và ATK Chợ Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Mặc dù trước mắt vẵn còn khó khăn nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có về tài nguyên du lịch, Bắc Kạn đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ vào GDP của tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng du lịch.
(Khu nghỉ dưỡng du lịch Sài Gòn Ba Bể- ảnh Công ty CP Sài Gòn Ba Bể)
Điều kiện thuận lợi thứ hai: Theo bản tin của Bộ Y tế “tính đến ngày 19/8 trên cả nước Quảng Ninh và Bắc Kạn là 02 tỉnh đã qua 30 ngày chưa phát hiện ca dương tính mới”. Hiện nay, tại các cửa ngõ ra vào tỉnh và các huyện tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Cao Bằng đều được kiểm soát chặt chẽ, trường hợp đặc biệt khi ra, vào tỉnh đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với Sars Cov 2 và khai báo y tế đầy đủ.
Những thuận lợi trên đây là điều kiện để tỉnh Bắc Kạn có thể áp dụng chương trình thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ theo Nghị quyết số 63/NQ- CPngày 29/6/2021 để phát triển du lịch nội tỉnh (vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội), khuyến khích kêu gọi người dân tham gia vào cáo hoạt động du lịch nội tỉnh với các khẩu hiệu cần đẩy mạnh tuyên truyền trên báo, đài PT&TH tỉnh như: “ Người Bắc Kạn đi du lịch Bắc Kạn”, “Du lịch nội tỉnh, thực hiện tốt 5K, tại sao không?” “Du lịch nội tỉnh, cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid19”…
(Biểu diễn văn nghệ dân tộc trong các tour du lịch tại hồ Ba Bể-
ảnh: đoàn Nhà báo tham dự Famtrip Du lịch Bắc Kạn năm 2020)
Khi tỉnh cho chủ trương để áp dụng các phương thức trên, cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành liên quan.Tin tưởng rằng sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho ngành du lịch Bắc Kạn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong tỉnh phát triển; đời sống tinh thần của người dân được nâng cao và có nhiều cơ hội để trải nghiệm, khám phá các danh lam, thắng cảnh đẹp trên quê hương mình, ôn lại truyền thống lịch sử, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc…; du lịch nội tỉnh phát triển, cũng sẽ tạo điều kiện để Bắc Kạn hỗ trợ các địa phương khác trong vùng dịch vượt qua đại dịch ./.