Ngày đăng: 27/03/2013 / Lượt xem: 4

Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015

          Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư; việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng, bản tổ dân phố văn hóa, khu dân cư tiên tiến đã có nhiều tiến bộ. Cùng với đó, phong trào luôn được các cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và có nhiều hình thức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt từ cấp cơ sở, khi triển khai thực hiện phong trào đã phân công cán bộ phụ trách từng thôn, bản, nội dung của phong trào được tuyên truyền qua các buổi họp thôn. Các cán bộ phụ trách cùng làm, cùng ở với bà con, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp. Ngoài ra, cấp xã còn chỉ đạo xây dựng các thôn văn hoá điểm, thôn không có người sinh con thứ 3, không mắc các tệ nạn xã hội và thôn không có hộ đói nghèo.

 

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua các lễ hội đầu xuân (Chuẩn bị mâm cỗ truyền thống trong “Lễ hội Lồng tồng”)

          Các phong trào cũng tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” đi vào nền nếp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương. Phong trào bình xét các gia đình tiêu biểu tạo nên khí thế thi đua trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Các gia đình tiêu biểu là những tấm gương khẳng định sự tiến bộ của mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, gia đình vượt khó đi lên, gia đình vì trẻ em, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực thực sự là tổ ấm của các thành viên, là môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành giáo dục nhân cách của các thành viên.

          Phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng tạo cho mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng ngày càng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó thể hiện qua các dịp lễ hội xuân. Việc thực hiện quy ước, hương ước văn hóa ở các cơ sở được triển khai thực hiện thường xuyên, do vậy các tập tục lạc hậu dần được xoá bỏ.

          Trong năm 2012, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng phong trào được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 02/HD-BCĐ ngày 4/5/2012 về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ phố văn hóa” và xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; hướng dẫn cơ sở đăng ký lại các danh hiệu văn hóa cho phù hợp với tiêu chí mới của tỉnh, phản ánh các hoạt động của phong trào các cấp, nêu các gương điển hình, tiên tiến trong thực hiện phong trào; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cho đối tượng là lãnh đạo và cán bộ phụ trách phong trào cấp huyện, xã, phường, thị trấn với hơn 140 người nghe; tổ chức tuyên truyền nội dung Phong trào cho đối tượng là Ban chỉ đạo phong trào của huyện, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, bản của huyện Ba Bể; in 1.600 cuốn tài liệu nghiệp vụ phong trào cấp cho cơ sở; hoàn thành dự thảo Đề án phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 - 2015 định hướng đến năm 2020 trình tỉnh phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các xã của huyện Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì.

          Cùng với đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được chú trọng, trong năm đã thực hiện được 86 buổi tuyên truyền lưu động về cơ sở; xây dựng được 06 Câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ - thể thao - làng văn hoá tại 06 thôn bản ở các huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rỳ, Pác Nặm; tổ chức được 04 đợt triển lãm ảnh nhân kỷ niệm các sự kiện chính trị - xã hội lớn của tỉnh như: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới năm 2012; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4/2012; Triển lãm phục vụ Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn và chào mừng Quốc khánh 02/9/2012; đồng thời tập hợp, biên tập, in ấn phát hành được 02 số Bản tin nghiệp vụ văn hóa cơ sở; phát hành được hơn 1.000 tài liệu, 500m băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị - xã hội như: Xây dựng nông thôn mới; Luật Phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; xây dựng gia đình, làng bản, tổ phố văn hóa; tổ chức thành công Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh với sự tham gia của 09 đội tuyên truyền của các huyện, thị xã và ngành; tham gia và đạt giải Nhì toàn đoàn tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng Đông Bắc tại tỉnh Tuyên Quang; giải Nhì Liên hoan nghệ thuật hát Then - Đàn tính toàn quốc tại tỉnh Lạng Sơn...

          Những kết quả trên đã cho thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một phong trào thiết thực, mang ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân, giúp người dân thấy rõ trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, từ đó có ý thức cao trong thực hiện các tiêu chí phong trào. Bước sang năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu 70% số gia đình, 20% số thôn, bản và 75% số cơ quan, đơn vị, nhà trường đạt danh hiệu văn hóa.

          Để phong trào tiếp tục thu hút được sự đồng thuận và trách nhiệm của toàn xã hội, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 341/QĐ-UBND chỉ rõ mục tiêu của phong trào trong giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 là nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,  xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đồng thời, gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở… Thực hiện hiệu quả các nội dung trong quyết định sẽ là việc cần thiết giúp phong trào đi vào chiều sâu, chất lượng và thiết thực./.