Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh vừa có buổi chiếu phim lưu động tại trường Trung cấp Nghề Bắc Kạn. Không khí hân hoan rộn ràng và háo hức của học sinh các dân tộc nơi đây thực sự đã làm cho những người làm công tác chiếu phim tại Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng lưu động không khỏi xúc động. Bởi Trung tâm luôn nghĩ rằng chỉ có bà con ở những thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn mới mong mỏi những buổi chiếu phim như thế này. Đối với các em học sinh, đây thực sự là giờ học văn hóa, lịch sử bổ ích và lý thú. Tuy nhiên những buổi chiếu phim tại trung tâm như thị xã Bắc Kạn không nhiều vì trung tâm chủ yếu phục vụ bà con ở những thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
![]() |
Buổi chiếu phim lưu động tại trường Trung cấp Nghề thu hút đông đảo học sinh |
Thời gian qua, đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực đưa những thước phim đến phục vụ nhu cầu nghe nhìn của bà con nhân dân vùng cao. Theo thống kê, trong năm 2012, đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện được hơn 1.600 buổi chiếu phim lưu động phục vụ cho bà con nhân dân ở hầu khắp các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Những bộ phim nhựa, phim tài liệu hay phóng sự trình chiếu đều mang thông điệp tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền các hoạt động chính trị, xã hội, từ thiện, phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Ông Hoàng Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Bắc Kạn cho biết: Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, ngày thành lập Điện ảnh Cách mạng 15/3, ngày giải phóng Miền Nam 30/4, ngày quốc tế lao động 1/5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày thương binh liệt sỹ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Trung tâm luôn tích cực chiếu những bộ phim có nội dung ca ngợi Đảng, về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên do điều kiện địa hình phức tạp nên một số thôn, bản cách xa trung tâm xã hơn 10km, không thể vận chuyển máy nổ, máy chiếu nên Trung tâm vẫn chưa có dịp phục vụ bà con. Đây cũng là trăn trở của những người làm công tác chiếu phim tại địa phương từ nhiều năm nay.
Trong số những buổi chiếu phim tại các bản vùng cao năm 2012 thì chuyến đi vào thôn Pàn Han, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể là chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với đội chiếu phim. Mặc dù quãng đường từ điểm rẽ của Quốc lộ 279 đi vào thôn Pàn Han chỉ dài khoảng 3km nhưng do phải qua sông, vượt núi nên mất gần 1 giờ đồng hồ đội chiếu phim mới đến được thôn. Biết tin đoàn chiếu phim lưu động của tỉnh đến nên rất đông bà con từ người già đến trẻ nhỏ đều hăm hở đến xem vì ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi giao thông đi lại còn cách trở và chưa có điện lưới quốc gia như thôn Pàn Han thì những lần được xem phim như thế này cũng không nhiều. Đến khi đoàn chia tay ra về, bà con tỏ ra nuối tiếc lắm, tiễn đoàn, người mang gạo, người mang ngô nếp, rồi cả rượu tự tay họ cất biếu các cán bộ đội chiếu phim.
Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Bắc Kạn hiện có 07 đội chiếu phim video và 01 đội chiếu phim nhựa đảm nhiệm chiếu bóng phục vụ bà con các xã thuộc địa bàn 08 huyện, thị xã. Một đội chiếu bóng lưu động video với biên chế 02 người phụ trách địa bàn. Để phục vụ chiếu bóng vùng cao cho người dân, đội phải mất cả ngày hoặc hơn một ngày đi đường mới đưa được trang thiết bị tới nơi. Mỗi lần đến 1 xã, bản nào đó, các đội thường tổ chức 2 - 3 buổi chiếu, song một lần như vậy cũng chỉ phục vụ được một vài bản xung quanh điểm chiếu với khoảng vài trăm lượt người xem.
Trước khó khăn về địa hình, giao thông, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã khắc phục và vận dụng linh hoạt việc sử dụng phương tiện vận chuyển bằng hình thức thuê ngựa chở trang thiết bị chiếu bóng tới phục vụ tại các bản khó khăn. Nhờ đó, số buổi phục vụ tại các điểm thuộc các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn luôn đạt trên 1.500 buổi/năm; thu hút đến hơn 4.000 lượt người xem mỗi năm. Để các buổi chiếu bóng diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả tuyên truyền cao, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị cũ kĩ, anh em các đội chiếu bóng lưu động đã phát huy sáng kiến làm chủ trang thiết bị; đồng thời chú ý sưu tầm hình ảnh, tài liệu để đổi mới hình thức và nội dung hoạt động cho phù hợp với yêu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân vùng cao. Mỗi lần đi phục vụ cơ sở, thành viên các đội chiếu bóng lưu động còn kiêm luôn nhiệm vụ làm công tác dân vận; phối hợp tốt với chính quyền cơ sở để tổ chức tuyên truyền thật hiệu quả.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Trung tâm đưa những bộ phim hay đến với bà con ở vùng sâu vùng xa. Ngoài chiếu những bộ phim theo định hướng chương trình phim của Cục Điện ảnh, Trung tâm còn phối hợp với các hãng phim khác như: Hãng phim Sài Gòn, hãng phim Giải Phóng, hãng phim Tây Đô… để khai thác thêm các nguồn phim hay gắn với các sự kiện chính trị của đất nước phục vụ bà con. Một số bộ phim truyện hay được trung tâm lựa chọn để chiếu như: Tây Sơn hào kiệt, Đất nước đứng lên, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy... đã thu hút rất đông bà con đến xem.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, các đội chiếu phim lưu động của trung tâm sẽ tổ chức khoảng 1.680 buổi chiếu phim tại 800 thôn, bản của 62 xã, trung bình mỗi thôn sẽ chiếu 2 buổi, riêng những thôn bản vùng sâu vùng xa sẽ chiếu 4 buổi/1 năm. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu như đã nêu, chỉ với nỗ lực của những người làm công tác điện ảnh là chưa đủ mà rất cần các cơ quan liên quan cũng như chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, dành kinh phí để ngành điện ảnh thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao mức hưởng thụ chiếu bóng cho bà con vùng cao.
Cùng với việc mang những tác phẩm điện ảnh về lịch sử dân tộc, về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến với đồng bào vùng cao, các đội chiếu phim lưu động tham gia cùng địa phương tổ chức cho nhân dân nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ý nghĩa, lồng ghép chương trình tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp người dân không chỉ được xem phim mà còn được tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư./.